Vì Sao Phong Cách Minimalism Chưa Bao Giờ Cũ Trong Thiết Kế Logo?
Logo là một phần không thể thiếu trong bộ nhận dạng thương hiệu của doanh nghiệp. Việc thiết kế logo vì thế cũng chưa bao giờ hết “hot”. Có rất nhiều phong cách thiết kế logo khác nhau đã và đang được áp dụng, như phong cách scandinavia, vintage, retro, … Trong số đó, không thể không nhắc đến phong cách minimalism được giới chuyên môn lựa chọn và đánh giá cao. Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu, minimalism chưa bao giờ cũ kỹ. Cùng đọc bài viết này để hiểu lý do vì sao nhé!
“Cắt nghĩa” phong cách Minimalism
Minimalism là sự tối giản, một trào lưu nghệ thuật bắt đầu nổi lên từ những năm 60 của thế kỷ 20 tại thành phố New York, Mỹ. Tối giản ở đây nghĩa là đơn giản hóa việc thiết kế ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, loại bỏ đi những chi tiết rườm rà, những màu sắc rối mắt. Tuy nhiên, không vì lý do tối giản mà nhà thiết kế được phép loại bỏ những thông điệp cần phải gửi gắm trong từng thành phẩm của mình.
Rất nhiều thương hiệu lớn đã áp dụng phong cách minimalism rất thành công trong thiết kế logo như: Mc. Donald, Pepsi, Nike, Amazon, …
Điều gì giúp phong cách thiết kế minimalism luôn được yêu thích?
Dễ dàng thu hút người nhìn
Có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận; đó là khi một sản phẩm mỹ thuật càng đơn giản, nó lại càng nổi bật, càng tạo được sự chú ý của người nhìn. Một logo đơn giản, không màu mè, cầu kỳ mà vẫn thể hiện sự sang trọng và trọn vẹn ý nghĩa đằng sau nó thì càng khiến con người ta muốn nhìn, muốn khám phá.
Thể hiện chính xác ý đồ và mục đích
Việc lựa chọn chính xác những gì đặc trưng và nổi bật nhất giúp người nhìn dành toàn bộ sự chú ý đến chi tiết chính và không bị phân tâm bởi những chi tiết thừa thửa xung quanh. Khi áp dụng phong cách minimalism vào thiết kế logo, tức là bạn đang cố gắng khắc vào tâm trí người xem một và chỉ một hình ảnh duy nhất, và đương nhiên hình ảnh đó phải đảm bảo chính xác ý đồ của bạn.
Tiết kiệm thời gian
Đây chắc chắn là một ưu điểm của việc áp dụng phong cách minimalism trong thiết kế logo. Hạn chế các họa tiết, màu sắc, đường nét thừa thửa, … giúp bạn tiết kiệm thời gian để tập trung hơn vào những chi tiết chính, đẩy mạnh chất lượng các sản phẩm thiết kế nói chung và logo nói riêng.
Làm sao để áp dụng phong cách minimalism trong thiết kế logo hiệu quả?
Càng ít càng tốt
Như đã nói ở trên, phong cách minimalism trong thiết kế logo cần hạn chế nhiều nhất có thể những chi tiết hình ảnh cầu kỳ, đường nét phức tạp, màu sắc rối mắt, với mục đích mang đến một logo thực sự có “khoảng trống nghệ thuật”, vừa đủ để thu hút người xem, vừa đủ để thể hiện ý tưởng và nội dung mong muốn.
Hạn chế sử dụng những màu sắc quá cầu kỳ
Sử dụng hạn chế về màu sắc trong thiết kế là một đặc trưng nổi bật của phong cách minimalism. Với phong cách này, bạn không nên thể hiện quá 4 màu trên logo, sao cho thực sự đơn giản và có điểm nhấn. Một trong những logo theo phong cách minimalism nhưng được xem là nhiều màu sắc như Google vẫn chỉ tận dụng tối đa 4 màu sắc.
Ngoài ra, màu nền trên logo nên là các màu trung tính tạo cảm giác nhẹ nhàng có khoảng trống, nhấn nhá bằng 1-2 màu nổi bật.
Khoảng cách hợp lý
Khác với phong cách thiết kế vintage hay retro, minimalism không ưu tiên những hình ảnh cổ kính. Thay vào đó, minimalism là sự linh hoạt, ăn khớp trong từng con chữ, giúp nhà thiết kế thể hiện một cách đơn giản mà chính xác thông điệp cũng như mục đích của mình. Tùy thuộc vào kích thước logo mà người thiết kế sẽ căn chỉnh khoảng cách các chi tiết sao cho thực sự hợp lý và nổi bật.
Hình ảnh tối giản
Những hình ảnh theo phong cách thiết kế minimalism không nên cầu kỳ, nhiều đường nét, càng không phải những họa tiết sống động, màu mè hay quá nhiều góc cạnh. Thay vào đó, đường nét hài hòa, hình dáng đơn giản là những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, sự tối giản đó vẫn cần đảm bảo đầy đủ ý nghĩa, thể hiện rõ thông điệp mà logo muốn truyền đạt.
Hi vọng những chia sẻ của chúng tôi về thiết kế logo theo phong cách minimalism đã mang lại cho bạn đọc những thông tin thực sự bổ ích và lý thú, phần nào khơi nguồn cảm hứng và sáng tạo của bạn. Chúc các bạn thành công.